Từ ngày 28/11 đến 30/11/2013, tại Pattaya-Thái Lan, Trường Đại học Kasetsart đã tổ chức Hội nghị Khoa học Quốc tế Thủy sản Lần thứ 3 – IFS 2013 với sự tham gia của các trường: Đại học Kasetsart, Đại học kỹ thuật Rajamangala, Đại học Songkla (Thái Lan); Đại học Cần Thơ, Đại học Nông Lâm TP. HCM (Việt Nam); Đại học Sains Malaysia, Đại học Universiti Malaysia Terengganu (Malaysia); Đại học Airlangga (Indonesia). Hội nghị cũng đón tiếp các đại biểu từ các viện, trường của Thái Lan và nhiều nước khác tham dự.
Hội nghị Khoa học Quốc tế Thủy sản năm nay diễn ra với chủ đề: “Định hình ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản hôm nay cho tương lai tốt hơn”. Theo luân phiên, Hội nghị quốc tế thủy sản được tổ chức tại hàng năm tại các nước có các viện, trường tham gia mạng lưới này. Năm 2012, hội nghị được tổ chức thành công tại Trường Đại học Cần Thơ với chủ đề: “Chia sẻ kiến thức vì sự phát triển bền vững ngành thủy sản Đông Nam Á”.
Toàn cảnh Hội nghị IFS 2013
Trong phiên khai mạc của Hội nghị, các đại biểu đã nghe trình bày 03 bài tham luận của các diễn giả là khách mời, gồm: Thách thực và cơ hội trong sản xuất thủy sản bền vững ở Châu Á (TS. Ambekar Eknard, Mạng lưới Trung tâm Thủy sản Châu Á-Thái Bình Dương); Hội chứng chết sớm: Vấn đề của toàn cầu (TS. Chalor Limsuwan, Trường Đại học Kasetsart); Quảng bá tôm thương phẩm: Kinh nghiệm của Thái Lan (TS. Panisuan Jamnarnwej, Hiệp hội Thực phẩm đông lạnh Thái Lan). Sau đó, các đại biểu đã tham dự các phiên báo cáo chuyên đề, diễn ra trong 03 buổi. Trường Đại học Cần Thơ tham dự Hội nghị gồm 46 thành viên, với 13 tham luận và poster được trình bày tại các phiên báo cáo.
Dự án SEAT (Sustaining Ethical Aquatic Trade-Nuôi trồng thủy sản bền vững theo tiêu chuẩn thương mại) tham dự Hội nghị với 02 tham luận trình bày tại các phiên báo cáo chuyên đề: (1) Nutrient characteristics and utilization of striped catfish pond sediment (Pangasianodon hypophthalmus) in the Mekong Delta, Vietnam (của nhóm tác giả: Phan Thanh Lâm, Võ Nam Sơn, Nguyễn Dương Anh, Đào Minh Hải, Nguyễn Thế Diễn và Nguyễn Thanh Phương); (2) A comparision of farming practice, cost and water quality between black tiger shrimp (Penaeus monodon) and white-leg shrimp (Litopenaeus vannamei) farms in the Mekong Delta, Vietnam (của nhóm tác giả: Võ Nam Sơn, Trương Tấn Nguyên, Trần Minh Phú, Nguyễn Thế Diễn và Nguyễn Thanh Phương); và 01 poster: Application and hazards associated with use of probiotics, disinfectants and antimicrobials in striped catfish (Pangasianodon hyphohthalmus) penaeid shrimp culture in the Mekong Delta, Vietnam (của nhóm tác giả: Trần Minh Phú, Võ Nam Sơn, Đào Minh Hải, Đặng Thị Hoàng Oanh, Từ Thanh Dung, Andreu Rico, Jesper Hedegaard Clausen, Francis Murray, Nguyễn Thanh Phương và Andres Dalsgaard).
Trong hai ngày, 15/4/2013 và 16/4/2013, Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường thủy sản thế giới cho các nhà sản xuất và chế biến thủy sản”.
Hội thảo vinh dự được sự tham dự và chia sẻ thông tin của GS. Iddya Karunasagar, Chuyên viên cao cấp về công nghiệp thủy sản của FAO. Tham dự Hội thảo còn có các đại biểu là nông hộ, doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến thủy sản, công ty sản xuất giống và thức ăn thủy sản ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các công ty kiểm định chất lượng thủy sản. Đến dự và phát biểu khai mạc Hội thảo phía nhà trường có PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo này là một trong những nỗ lực rất lớn của Trường ĐHCT với mong muốn chia sẻ những thông tin về thị trường xuất khẩu thủy sản, góp phần hỗ trợ các nông hộ và doanh nghiệp thủy sản có thêm thông tin làm cơ sở cho việc đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu thủy sản quốc tế, đặc biệt là những thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức như thị trường Nhật Bản, Mỹ và EU. Trên thực tế, hiện nay các thị trường xuất khẩu thủy sản khác nhau có những đòi hỏi khác nhau về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thủy sản, trong đó nổi bật là nhu cầu thiết yếu về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của các mặt hàng thủy sản nói chung và các mặt hàng xuất khẩu nói riêng. Việc đảm bảo chất lượng sản phẩm thủy sản đòi hỏi phải được triển khai và bị ảnh hưởng ở tất các các công đoạn của quy trình nuôi trồng, sản xuất và chế biến, trong đó có việc chế biến thức săn thủy sản. Một khi nắm bắt đầy đủ những yêu cầu này, công tác đảm bảo chất lượng thủy sản sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn và gia tăng khả năng cạnh tranh khi tham gia thị trường, góp phần nâng cao đời sống và gia tăng lợi ích kinh tế của các nông hộ và doanh nghiệp thủy sản.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe GS. Iddya Karunasagar trình bày về tổng quan về các quy định trong thương mại quốc tế liên quan đến thị trường thủy sản, những bài học kinh nghiệm về sự loại bỏ và cảnh báo đối với các mặt hàng xuất khẩu ở thị trường quốc tế, yêu cầu giảm thiểu sử dụng thuốc và hóa chất khi ứng dụng nuôi trồng thủy sản sạch đạt chất lượng tiêu chuẩn GAP; kinh nghiệm về quản lý và kiểm soát dư lượng kháng sinh trong thủy sản; và sự tiếp cận thông tin của các nhà sản xuất thủy sản. Qua đó, các đại biểu đã cùng thảo luận với chuyên gia FAO để có thêm nhiều thông tin hữu ích.
Ngày 09/01/2012, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức Hội thảo “Nuôi trồng Thủy sản theo chuẩn thương mại”. Hội thảo trong khuôn khổ dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu với sự tham gia của EU, Đại học Stirling, Đại học Cần Thơ và các đại học khác đến từ các nước thuộc Châu Âu và Châu Á.
Toàn cảnh Hội thảo Nuôi trồng Thủy sản theo chuẩn thương mại
Hội thảo sẽ diễn ra trong 03 ngày, từ 09 đến 11/01/2012. Mục tiêu của Hội thảo nhằm tổng kết và đánh giá các họat động của dự án trong 02 năm qua, đồng thời thảo luận, đề ra hướng nghiên cứu tiếp theo cũng như những giải pháp triển khai thực hiện trong những năm còn lại.
PGS. TS. Nguyễn Thanh Phương – Trưởng Khoa Thủy sản phát biểu tại Hội thảo
Được biết Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2009-2013. Các chủ đề nghiên cứu sẽ được đưa ra trong quá trình thực hiện dự án bao gồm tác động môi trường và thương mại đối với dân sinh của người dân địa phương và sức khỏe công cộng, an toàn thực phẩm bao gồm các yếu tố gây ô nhiễm, truy xuất nguồn gốc và các rào cản trong thương mại.
Đại biểu thảo luận tại Hội thảo
Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ tham gia dự án với 12 gói nghiên cứu (work package-WP) tiến hành tại Việt Nam, gồm: (1) WP1-Quản lý Dự án, (2) WP2-Hệ thống sản xuất, (3) WP3-Phân tích chuỗi sản xuất, (4) WP4-Mô hình môi trường, (5) WP5-Động thái kinh tế-xã hội, (6) WP6-An toàn thực phẩm, (7) WP7-Nguy cơ gây ô nhiễm, (8) WP8-Hình thành hệ thống các giá trị đạo đức, (9) WP9-Nâng cao giá trị thực phẩm, (10) WP10-Cải thiện tính minh bạch, (11) WP11-Phát triển chính sách và (12) W12-Phổ biến kết quả.
Ngày 18/4/2012, tại Hội trường Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã diễn ra Hội thảo “Các giải pháp về xử lý và ứng dụng bùn đáy của ao cá tra”. Thành phần tham dự Hội thảo phía Trường ĐHCT gồm PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Khoa Thủy sản; cán bộ Khoa phụ trách nghiên cứu các chương trình liên quan đến việc xử lý và ứng dụng bùn đáy ao cá tra và một số cán bộ chuyên trách. Hội thảo cũng vinh dự đón tiếp cán bộ nghiên cứu đang công tác tại Trường Đại học Đà Lạt, Đại học Kasetart – Băng Cốc, Thái Lan; lãnh đạo Trạm Thủy sản Huyện Thanh Bình cùng một số nông dân Huyện Châu Thành và Huyện Thanh Bình – Tỉnh Đồng Tháp; đại diện lãnh đạo Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và đại diện quản lý nông sản Công ty Nam Vang Tỉnh Vĩnh Long cùng đến chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp ý kiến thảo luận về xử lý và ứng dụng bùn đáy ao.
Hội thảo chuyên đề “Các giải pháp về xử lý và ứng dụng bùn đáy của ao cá tra” tại Hội trường Khoa Thủy sản – Trường ĐHCT
Trong tiến trình hội nhập nền kinh tế thế giới, các ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng cũng đã đạt được những thuận lợi nhất định nhưng cũng gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt là về đảm bảo chất lượng sản phẩm. Việc thâm nhập sản phẩm thủy sản của nước ta ra thị trường thế giới đã tạo được cơ hội tốt cho sự phát triển của thủy sản Việt Nam nhưng yêu cầu của thị trường thế giới ngày một khắt khe, đặc biệt là thị trường Châu Âu. Trong đó, vấn đề bảo vệ môi trường trong nuôi trồng và chế biến thủy sản được xem là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu quyết định uy tín và thương hiệu thủy sản Việt Nam. Đây là một vấn đề hết sức cấp bách đòi hỏi các nhà nghiên cứu và quản lý trong lĩnh vực thủy sản phải tích cực nỗ lực để tìm ra giải pháp.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Khoa Thủy sản Trường ĐHCT giới thiệu chung về Dự án SEAT và mục đích tổ chức Hội thảo
Hội thảo “Các giải pháp về xử lý và ứng dụng bùn đáy ao cá tra” trong khuôn khổ Dự án SEAT (Sustainable Ethical Aquaculture and Trade – Nuôi trồng thủy sản bền vững theo tiêu chuẩn thương mại) do Khoa Thủy sản Trường ĐHCT tổ chức, bước đầu đã tìm ra định hướng cho việc xử lý bùn đáy ao nhằm hạn chế tác động xấu của việc thải bùn từ ao nuôi thủy sản ra môi trường: phương pháp tận dụng bùn đáy ao làm phân bón hỗ trợ sản xuất hoa màu, cây ăn quả. Theo báo cáo kết quả một số nghiên cứu tại Hội thảo, việc sử dụng bùn đáy ao nuôi thủy sản góp phần làm giảm chi phí phân bón hóa học cho việc trồng hoa màu và cây ăn quả nhưng vẫn đảm bảo năng suất cao và tăng lợi nhuận. Một số nghiên cứu khác về việc tái chế bùn đáy ao thành phân bón dạng hạt hay dạng bột nhằm cân bằng thành phần dinh dưỡng trong bùn, dùng làm phân hữu cơ bón cho cây trồng thay thế phân hóa học; nghiên cứu ứng dụng mô hình ủ bùn làm phân bón thay thế phân hóa học của các chuyên gia nước ngoài thực hiện thí nghiệm tại Trường Đại học Đà Lạt. Theo kinh nghiệm sản xuất thực tiễn của một số nông dân Huyện Châu Thành và Huyện Thanh Bình – Tỉnh Đồng Tháp, việc ứng dụng bùn làm phân bón cho ớt, bắp, nhãn v.v. giúp giảm chí phí mua phân hóa học nhưng vẫn đảm bảo năng suất và thu được lợi nhuận cao hơn.
Hội thảo đã mở ra hướng đi nhưng cũng đặt ra cho các nhà nghiên cứu những thách thức mới:
- Các giải pháp nào có thể làm giảm lượng nước tồn động trong bùn giúp việc hút bùn đáy ao gặp thuận lợi, đồng thời dễ sử dụng bùn trong trồng trọt cũng như tái chế hay ủ bùn làm tăng dinh dưỡng cho cây trồng.
- Nghiên cứu ứng dụng thực nghiệm mô hình lọc bùn và ủ phân từ bùn, hiệu quả kinh tế của mô hình này cho người nuôi thủy sản và hiệu quả kinh tế trong trồng trọt từ việc ứng dụng phân ủ bùn.
Tại Hội thảo, các cán bộ nghiên cứu về về xử lý và ứng dụng bùn đáy ao chia sẻ kết quả nghiên cứu của mình
Một số nông dân Huyện Châu Thành và Huyện Thanh Bình – Tỉnh Đồng Tháp cũng được mời đến chia sẻ hiệu quả thực tế sử dụng bùn trong trồng hoa màu và cây ăn quả và đóng góp ý kiến tại Hội thảo
Ông Paul Olivier, cán bộ nghiên cứu tại Trường Đại học Đà Lạt đến dự Hội thảo và chia sẻ mô hình tái chế bùn, ủ bùn làm phân bón
Ngày 07/5/2012, Khoa Thủy sản (KTS) – Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) phối hợp với Trường Đại học Bergen – Na Uy tổ chức Hội thảo “Đạo đức nghề nghiệp trong nuôi trồng thủy sản bền vững theo tiêu chuẩn thương mại” tại Hội trường KTS. Chủ trì Hội thảo phía Trường ĐHCT có PGS.TS Trương Quốc Phú, Phó Trưởng khoa KTS cùng cán bộ KTS tham gia nghiên cứu Dự án SEAT (Sustaining Ethical Aquatic Trade – Nuôi trồng thủy sản bền vững theo tiêu chuẩn thương mại). Phía Trường ĐH Bergen có GS. Matthias Kaiser, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Nhân văn cùng các giáo sư và cán bộ nghiên cứu của Trung tâm đến dự Hội thảo. Hội thảo cũng vinh dự đón tiếp đại diện một số hộ nuôi thủy sản, các nhà quản lý thủy sản, trại ươm giống, nhà máy cung cấp thức ăn thủy sản và công ty chế biến thủy sản từ các tỉnh An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp đến chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến và tham gia một số khảo sát về đạo đức nghề nghiệp trong quá trình nuôi trồng, chế biến và thương mại hóa sản phẩm thủy sản.
Hội thảo “Đạo đức nghề nghiệp trong nuôi trồng thủy sản bền vững theo tiêu chuẩn thương mại” được tổ chức tại Hội trường KTS – Trường ĐHCT
KTS – Trường ĐHCT phụ trách nghiên cứu Dự án SEAT với nhiều mảng nghiên cứu khác nhau nhằm đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu thủy sản nói chung và xuất khẩu thủy sản sang thị trường Châu Âu nói riêng hướng đến xuất khẩu thủy sản bền vững. Hội thảo này được triển khai tiếp theo nhằm bàn thảo về vấn đề đạo đức trong nuôi trồng, chế biến và thương mại thủy sản, các vấn đề người tiêu dùng Châu Âu quan tâm bên cạnh giá cả thị trường và chất lượng – vệ sinh an toàn thực phẩm. Để từ đó, Dự án có thể tìm ra bộ chỉ tiêu về tính nhân bản trong sản xuất kinh doanh và sự minh bạch, công bằng về lợi ích cho các đối tượng tham gia vào chuỗi sản xuất kinh doanh thủy sản.
PGS.TS Trương Quốc Phú, Phó Trưởng khoa KTS – Trường ĐHCT phát biểu khai mạc Hội thảo “Đạo đức nghề nghiệp trong nuôi trồng thủy sản bền vững theo tiêu chuẩn thương mại”
Matthias Kaiser, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Nhân văn – Trường ĐH Bergen phát biểu về ý nghĩa của tính nhân văn trong nuôi trồng và chế biến thủy sản
Thảo luận theo nhóm về các tiêu chuẩn thuộc tính của sản phẩm thủy sản trong nhận thức của người tiêu dùng Châu Âu tại Hội thảo “Đạo đức nghề nghiệp trong nuôi trồng thủy sản bền vững theo tiêu chuẩn thương mại”
Cùng đóng góp ý kiến tại Hội thảo với các đại biểu khác, đại biểu là nông dân hộ nuôi thủy sản cũng đóng góp ý kiến về sự công bằng về lợi ích trong nuôi trồng thủy sản giữa nông dân với nhà sản xuất – kinh doanh thủy sản